circle
Giáo dục

Phương pháp vòng tròn trong đời sống học đường tại trường Tiểu học Jean Piaget

Tròn Lành
October 9, 2024
3 phút

Jean Piaget là một ngôi trường xanh tươi nằm tại quận Cầu Giấy, Hà Nội, mang tên của một nhà Tâm lý học, giáo dục học với phương pháp giáo dục kiến tạo. Jean Piaget định vị mình là ngôi trường hạnh phúc hướng đến nuôi dưỡng và bảo vệ niềm vui học tập của con trẻ. 

1. Cách ứng dụng vòng tròn vào ngôi trường Jean Piaget

Tại Jean Piaget (JP), vòng tròn đã xuất hiện trong các hoạt động nhiều năm qua:

1.1. Với Phụ huynh: 

JP mở những vòng tròn vào cuối ngày, cuối tuần sau những giờ làm việc, nơi cố vấn giáo dục cùng Phòng tâm lý học đường ngồi lại với các phụ huynh để chia sẻ về quá trình làm cha mẹ, những khó khăn, khúc mắc cần được tháo gỡ, những kinh nghiệm và học hỏi từ các chuyên gia giáo dục, hay tìm thấy sự đồng cảm, kinh nghiệm từ chia sẻ của những bố mẹ khác trong trường. 

1.2 Với Nhân sự:

JP đã mang vòng tròn vào tháng đào tạo nhân sự đầu năm học, sinh hoạt giao ban tháng, họp rút kinh nghiệm, họp lên kế hoạch, các buổi teatalk tổng kết cuối năm/hết học kỳ và cả khi có những sự vụ phát sinh, hay dành riêng cho các giáo viên năm đầu tiên làm nghề… Đây là không gian gần gũi, an toàn để giáo viên, nhân sự chia sẻ những suy nghĩ, cảm xúc, niềm vui lẫn khó khăn, áp lực khi làm nghề và cả cuộc sống cá nhân, nơi mọi người được cất tiếng, được lắng nghe từ đồng nghiệp, học hỏi, đồng hành cùng nhau không phân biệt cấp trên, cấp dưới hay phòng ban, bộ phận trong trường.

Vòng tròn dành cho các thầy cô và CBCNV tại trường Jean Piaget

 1.3 Với học sinh:

Vòng tròn dành cho các em học sinh tại trường Jean Piaget

JP hướng dẫn giáo viên tổ chức các hoạt động vòng tròn dành cho học sinh: checkin cảm xúc đầu/cuối tiết học, trong các giờ sinh hoạt câu lạc bộ, tiết sinh hoạt lớp, giờ chia sẻ cuối tuần, buổi tổng kết Summer Camp. Học sinh có thể chia sẻ về các nội dung liên quan đến giờ học hay đôi khi là các chủ đề khác nhau mà các bạn yêu thích, quan tâm… Cũng có những tiết học đặc biệt dành cho các cô gái nhỏ và các chàng trai lớn về chủ đề giới tính, tìm hiểu về tuổi dậy thì, cách kết bạn… vừa riêng tư, vừa cởi mở giữa các cô giáo với riêng các bạn gái và riêng các bạn trai. Tiết học về sự Tử tế, hay về giả định mô hình các phiên họp/ đàm phán như trong giờ học Nghiên cứu xã hội, học sinh cùng thảo luận về tác động của Nhà máy thủy điện với sự tham gia của chính quyền, người dân, nhà đầu tư, nhà khoa học, báo chí… 

1.4. Cả cộng đồng:

JP đã tổ chức các vòng tròn chia sẻ dành cho các Phụ huynh - giáo viên đầu năm học mang tên “”Cùng nhau đi xa”. Trong không gian gặp gỡ đó, Ban quản lý nhà trường cùng các giáo viên đã ngồi lại với phụ huynh học sinh khối 1, khối 2, cùng làm quen, chia sẻ về trải nghiệm khi đến trường của chính bố mẹ, thầy cô khi còn nhỏ, những mong đợi, lo lắng khi bắt đầu có con đi học của bố mẹ, những áp lực, khó khăn mà thầy cô đang đương đầu trong công việc lẫn cuộc sống cá nhân, những nguồn lực mà PH sẵn sàng đóng góp để có thể đồng hành cùng con và nhà trường trong năm học mới…

Khi có sự việc đáng tiếc xảy ra là một học sinh Hà Nội tự tử, JP tổ chức các tiết học đặc biệt với sự tham gia của 3 bên bố mẹ - cô giáo chủ nhiệm - học sinh để trò chuyện với chủ đề: “Những điều chúng ta chưa biết” để cùng thảo luận một cách cởi mở, chân thành và văn minh về cái chết - một chủ đề nhạy cảm và không dễ nói với con trẻ. Từ đó mở rộng đến tình yêu thương, cách mở lòng chia sẻ và tìm sự hỗ trợ khi gặp khó khăn, cách lắng nghe tích cực, đồng cảm, thấu hiểu và xây dựng nội lực... Các buổi học khép lại trong những cái ôm ấp áp, những chia sẻ xúc động và nhiều cảm xúc.

Teatalk ”Mở sách mở lòng” là một sáng kiến với vật nói là những cuốn sách, mời gọi mọi người trong cộng đồng JP là thầy cô, nhân sự, là phụ huynh, là dịch giả của cuốn sách, họa sĩ minh họa sách…. đến cùng đọc một cuốn sách nhỏ, từ đó trò chuyện và chia sẻ những góc nhìn, trải nghiệm cá nhân kết nối và mở ra từ những cuốn sách.

2. Vì sao lựa chọn phương pháp vòng tròn này?

Phương pháp vòng tròn có những giá trị tương đồng với giá trị mà JP đang nuôi dưỡng và hướng tới: là tinh thần kết nối, cởi mở, lắng nghe chân thành không phán xét, là mong muốn phát triển một cộng đồng tử tế, tôn trọng lẫn nhau và đồng kiến tạo. 

Phương pháp vòng tròn thậm chí đã len lỏi và xuất hiện tự nhiên trong nhiều hoạt động của JP ngay cả khi chưa chính thức biết đến các lý thuyết nền tảng của phương pháp này và đang càng ngày càng được áp dụng, lan tỏa nhiều hơn.

3. Đã có điều gì thay đổi khi áp dụng?

Từ khi chủ đích và đẩy mạnh việc đưa phương pháp vòng tròn vào trường học, trong các hoạt động của trường, nhiều thay đổi và chuyển biến tích cực đã thể hiện rất rõ mỗi ngày tại Jean Piaget. 

3.1. Thấu hiểu, gắn bó hơn

Qua những vòng tròn được mở ra, thầy cô giáo phần nào hiểu hơn những khó khăn mà bố mẹ đang đối mặt, và ngược lại, phụ huynh cũng cảm thông và đồng hành hơn cùng nhà trường, các thầy cô. Học trò - giáo viên, con cái - bố mẹ, cấp trên - cấp dưới thêm gần gũi. Các đồng nghiệp ngày thường chỉ kịp mỉm cười, lướt qua chào nhau hay chỉ nói chuyện công việc đã có thời gian ngồi lại chuyện trò, biết thêm nhiều người có chung sở thích, có nhiều khía cạnh thú vị mới được khám phá ra…

Mọi người nhận ra rằng: dù đôi khi có những khác biệt về góc nhìn, cách thức thực hiện, nhưng chúng ta đang cùng nỗ lực và chung tay để mang đến những điều tốt đẹp nhất cho con trẻ, cho ngôi trường. Và thêm hiểu rằng: chúng ta không cô đơn trên hành trình này: những người đồng nghiệp nhiều kinh nghiệm cũng đã từng loay hoay, bối rối như mình, những bố mẹ cũng có những giai đoạn đầy thử thách dù rất khác nhau nhưng cũng thật giống nhau,… Bầu không khí và chất lượng các mỗi quan hệ học đường trở nên tích cực, bền chặt và ấm áp.

3.2. Có thêm những hiểu biết, góc nhìn và thu hoạch mới

Vòng tròn giúp từng người nhìn thấy mình trong những câu chuyện của người khác và tự soi chiếu lại mình qua những chia sẻ của bản thân khi can đảm cất lời. Việc nghe và được lắng nghe trở thành điểm kết nối, để được hiện diện, được nhìn thấy, được học hỏi và tìm ra những giải pháp hay đồng thuận chung… - những điều mà có lẽ nếu chỉ loay hoay xoay sở một mình, không ngồi xuống đối thoại, không bộc lộ ra ta chẳng thể nào thu hoạch về được. Mỗi người được trọn vẹn hơn, tròn đầy hơn và nhẹ nhõm hơn. Từ đó, chất lượng và hiệu quả công việc tăng lên, chất lượng và cảm hứng học tập của học sinh có nhiều cải thiện.

4. Một vòng tròn cụ thể đã từng triển khai tại JP:

  • Đối tượng: 30 nhân sự trường (giáo viên, nhân viên các phòng ban)
  • Thời lượng 120 phút
  • Tóm tắt tiến trình:

A. Check in: 

+ Thời tiết hôm nay trong bạn như thế nào? 

+ Người gần đây nhất bạn trò chuyện trong gia đình mình là ai? Và về chuyện gì? 

B. Cùng đọc câu chuyện: Hiển nhiên và biết ơn. 

Thảo luận cảm nhận về câu chuyện: những điểm chạm, những suy nghĩ và cảm nhận cá nhân về câu chuyện.

C. Chia sẻ: 

+ “Món quà” nào được nhận từ gia đình mình mà bạn rất trân trọng, biết ơn? (Có thể là một đặc điểm về ngoại hình, phẩm chất, tài sản, người thân…)

+ Bên cạnh gia đình, cuộc sống cũng đâỳ ắp những điều khiến tôi biết ơn. Đó là…

D. Vẽ thiệp và viết “Thông điệp tôi”: 

Tôi muốn …. biết rằng, tôi cảm thấy…khi…. 

Mong rằng…

E. Checkout: Một từ khóa/hành động/hình ảnh thể hiện cảm xúc của bạn sau buổi hôm nay.

“Hành trình vạn dặm bắt đầu từ những bước chân nhỏ”, JP tin tưởng rằng những nỗ lực đầu tiên và nhỏ bé này sẽ dần lan tỏa, từng bước tạo nên nhiều vòng tròn để cả “ngôi làng” trở thành vòng tròn lớn, chung tay nâng đỡ, kết nối trên hành trình lớn lên của con trẻ.
Hình ảnh: Chụp trong buổi Tròn Lành đến thăm quan trường tiểu học, và lắng nghe câu chuyện từ cô giáo Trang Nhung - Trường tiểu học Jean Piaget (Bên tay trái), Mai Ly và Mai Phương từ Tròn Lành lần lượt ngồi ở giữa và bên tay phải 

Tác giả: Phạm Trang Nhung - Trường tiểu học Jean Piaget

circle

Nhận bản tin hàng tháng và các tài nguyên hữu ích từ Tròn Lành