Suốt hơn hai mươi năm qua, tôi đã có dịp ngồi trong rất nhiều vòng tròn, với đủ mọi nhóm người. Có những vòng tròn đông đến năm, sáu chục người. Nhưng thường thấy nhất vẫn là những nhóm nhỏ, chừng sáu đến mười sáu người. Trong không gian ấy, chúng tôi đã cùng nhau cười, khóc, lặng im, xúc động. Có người khóc vì chạm đến điều gì đó sâu kín trong lòng. Có người rưng rưng vì một niềm tin lâu rồi mới được đánh thức. Có khi là những bất ngờ, những niềm vui lấp lánh. Và cũng có không ít người, sau những buổi đó, tìm được bạn đồng hành, người tri kỷ hay cộng sự cho những chặng đường dài về sau.
Một câu hỏi mà tôi thường được nghe nhất từ những người từng tham gia các vòng tròn trực tiếp là:
“Vòng tròn như thế liệu làm online được không anh?”
Tôi rất thích ánh mắt ánh lên niềm hy vọng của họ khi hỏi câu đó. Nhưng tôi cũng nhận ra, phía sau ánh mắt ấy là một chút băn khoăn, lo lắng — cái lo rất tự nhiên của người đang mong manh giữa hy vọng và nỗi sợ rằng điều mình mong có thể không thành.
Tôi thường dừng lại một chút trước khi trả lời. Để thực sự nghe và hiểu câu hỏi ấy từ phía người đang hỏi mình. Và câu trả lời của tôi luôn giống nhau: “Được chứ. Hoàn toàn làm được.”
Ngắn gọn thế thôi. Nhưng đó là câu trả lời thật lòng nhất mà tôi có thể dành cho họ. Một câu trả lời chứa đựng cả sự tin tưởng, niềm hy vọng và cũng thấu cảm cả nỗi lo trong lòng người nghe.
Rồi tôi thường chia sẻ thêm: vòng tròn online và vòng tròn trực tiếp có nét giống nhau, nhưng cũng có những điểm khác biệt riêng. Cả hai đều quan trọng. Cả hai đều có thể đem lại sự kết nối và sống động. Điều cốt lõi là khi tổ chức, mình cần ý thức rõ về những điểm tương đồng lẫn khác biệt đó, để chọn cách dẫn dắt, kết nối sao cho phù hợp với từng không gian.
Những năm gần đây — nhất là mười năm trở lại đây, khi thế giới online phát triển mạnh mẽ và mọi người có thể kết nối xuyên quốc gia chỉ bằng vài cú click — tôi cũng rút ra được một vài điều giúp việc tổ chức và tham gia vòng tròn online trở nên dễ dàng và trọn vẹn hơn. Với tôi, những điều này giống như thói quen sống và cách giữ sự tỉnh thức.
1️⃣ Có Mặt Sớm
Với tôi, điều này có nghĩa là mở máy và sẵn sàng trước khoảng 5-15 phút. Nghe thì có vẻ đơn giản, nhất là khi mình chỉ đang ngồi trước cái bàn quen thuộc suốt cả ngày. Nhưng thật ra, đó là lúc tôi dọn dẹp bàn làm việc, tắt bớt các tab không cần thiết, cất giấy tờ, đôi khi còn đốt một cây nến. Việc nhỏ thôi, nhưng giúp tôi chuyển mình từ guồng công việc sang không gian của vòng tròn.
Thế giới online có nhịp nhanh đến chóng mặt. Chỉ cần gõ Google, chưa đầy một giây đã có kết quả. Nhưng đừng để nhịp nhanh đó kéo mình đi lúc bước vào vòng tròn. Hãy cho bản thân vài phút để chậm lại, lắng nghe nhịp đập trong lòng mình trước khi vòng tròn bắt đầu.
2️⃣ Tránh Bị Xao Nhãng
Bạn có để ý những thứ nhấp nháy trên màn hình không? Một email mới đến, một tin nhắn Facebook từ người bạn lâu ngày, một tiêu đề báo nóng hổi, hay một tin nhắn Zalo vừa nhảy lên? Chúng cứ như những cái dấu chấm than không mời mà tới.
Chúng ta may mắn vì có thể tiếp cận thế giới chỉ qua một chiếc máy tính, nhưng cũng dễ bị hút vào những thông báo đó. Ai mà chưa từng định “xem một chút thôi” rồi mười phút sau mới quay lại với những gì mình đang làm?
Nếu có thể, hãy tắt hết những thông báo, đóng bớt những ứng dụng không cần thiết. Dành riêng không gian online của mình cho vòng tròn thôi. Như thế, bạn sẽ hiện diện trọn vẹn hơn.
3️⃣ Thế Giới Online Cũng Cần Thời Gian
Chúng ta đã quen với việc mọi thứ online chỉ cách một cú click. Di chuột, click — là mở được tài liệu, xem được video. Nhưng vòng tròn, dù trực tiếp hay online, vẫn là sự gặp gỡ giữa người với người. Mà gặp nhau thật sự thì không thể vội vàng.
Những khoảnh khắc chạm sâu, những “À ha!” bất ngờ vẫn có thể xuất hiện, nhưng không ai mua được bằng một cú click “mua ngay một khoảnh khắc chạm sâu.” Vòng tròn cần thời gian — và sự hiện diện thực sự.
4️⃣ Chia Sẻ Thêm Về Không Gian và Cảm Nhận Của Mình
Trong vòng tròn online, mỗi người ở một nơi, có người thì ngồi ở phòng khách, người thì ngồi ngoài ban công, người thì tranh thủ vừa đi bộ vừa nghe. Vì không cùng một không gian vật lý nên những dấu hiệu chung mà ta hay có khi ngồi vòng tròn trực tiếp sẽ không còn.
Vì vậy, đôi khi hãy chia sẻ một chút về không gian xung quanh bạn. Ví dụ: “Ngoài cửa sổ nhà mình, cây bàng đang rụng lá. Trời sáng mà có vẻ lạnh hơn mọi hôm.” Những lời chia sẻ nhỏ vậy thôi cũng giúp mọi người hình dung và cảm nhận sự có mặt của nhau rõ hơn.
5️⃣ Tạo Trình Tự Chia Sẻ Và Ra Dấu Hiệu Kết Thúc Rõ Ràng
Ở vòng tròn trực tiếp, chúng ta thường chuyền nhau một món đồ tượng trưng, như hòn đá hay chiếc lông vũ, để biết ai đang là người muốn nói và khi nào đến lượt mình.
Trong vòng tròn online, ta cần tạo ra những tín hiệu khác. Có thể dùng thứ tự theo tên, hoặc theo hướng Bắc - Nam - Đông - Tây giả định, hoặc vẽ sơ đồ ghế ảo có tên mọi người.
Khi nói xong, đừng quên báo hiệu cho người tiếp theo. Chỉ cần một câu: “Mình xin đặt lại vật nói vào vòng tròn” — là đủ để vòng tròn tiếp tục nhịp chảy của nó.
---
Tôi thật sự biết ơn những vòng tròn mình từng có cơ hội tham gia. Những khoảnh khắc mọi người chạm được vào nhau, khi tiếng lòng được cất lên, khi hy vọng được nhen nhóm lại. Những lúc như vậy, tôi tự nhắc mình rằng: “mình không chỉ đang điều phối một buổi họp online. Mình đang giữ không gian cho sự chân thật và kết nối thật sự được hiện hữu.”
Dù là trực tiếp hay online, thứ cốt lõi nhất vẫn là sự hiện diện. Nó chính là “hệ điều hành” của mọi vòng tròn. Và để cho vòng tròn online cũng chạm được như ngoài đời, chỉ cần một chút tưởng tượng — và sự thực hành đều đặn.
-----
Nguồn bài viết: Tenneson Woolf, Tips: hosting and participating in online circles, Blog The Circle Way
Dịch: Tròn Lành Việt Nam